Cuối tháng một, Mỹ ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên là một người đàn ông 35 tuổi, trở về Seattle, bang Washington từ Vũ Hán, tâm dịch ở Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra lúc đó là: Người đàn ông đã lây cho ai chưa? Có phải nCoV đang len lỏi trong cộng đồng và lây lan rộng hay không?
Chu có cách để phần nào trả lời những câu hỏi đó. Trong nhiều tháng, bà và một nhóm nghiên cứu đã thu thập dịch ngoáy mũi từ những cư dân có triệu chứng cúm trên khắp vùng Puget Sound để phục vụ cho Dự án Nghiên cứu Cúm Seattle.
Helen Y. Chu, chuyên gia thuộc Dự án Nghiên cứu Cúm Seattle. Ảnh: Đại học Washington. |
Để sử dụng các mẫu này cho xét nghiệm nCoV, họ cần được giới chức bang và liên bang cho phép. Nhưng các quan chức liên tục bác bỏ ý tưởng này, ngay cả khi nhiều tuần đã trôi qua kể từ khi dịch bùng phát ở Vũ Hán và nó đã lan ra nhiều quốc gia bên ngoài Trung Quốc.
Việc Mỹ không sớm cho phép sử dụng dữ liệu của nghiên cứu bệnh cúm để xét nghiệm nCoV đồng nghĩa họ đã bỏ lỡ một "cơ hội vàng" để ngăn chặn dịch sớm hơn. Thông qua các cuộc phỏng vấn cùng dữ liệu email và thư từ, hai ký giả Sheri Fink và Mike Baker của NYTimes đã xây dựng bức tranh toàn cảnh về cách các quy định và sự quan liêu đã trì hoãn công tác chống dịch ở Mỹ như thế nào.
Ngay sau khi trình tự gene của nCoV được công bố vào tháng một, công việc đầu tiên của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) là phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm. Cơ quan này cũng đưa ra tiêu chí để quyết định những cá nhân được xét nghiệm nCoV: chỉ những người bị sốt, có vấn đề về hô hấp và từng đến Vũ Hán.
Các tiêu chí khắt khe khiến người đàn ông 35 tuổi trở về Seattle từ Vũ Hán không thỏa mãn điều kiện xét nghiệm. Tuy nhiên, giới chức y tế bang đã yêu cầu anh này được xét nghiệm và CDC đồng ý. Người đàn ông được xác định dương tính với nCoV vào ngày 20/1.
Giới chức theo dõi 70 người đã tiếp xúc với người đàn ông, trong đó 50 người đồng ý lấy dịch ngoáy mũi và không ai dương tính với nCoV. Nhưng vẫn có nguy cơ để sót người nhiễm, nhà dịch tễ học Scott Lindquist đánh giá.
Trong khoảng thời gian này, cơ quan y tế bang Washington bắt đầu thảo luận với các nhà khoa học thuộc Dự án Nghiên cứu Cúm Seattle về việc tận dụng mẫu vật cho xét nghiệm nCoV . Tuy nhiên, họ gặp một trở ngại: phòng thí nghiệm của dự án là loại phục vụ mục đích nghiên cứu chứ không phải chẩn đoán lâm sàng và họ không được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) cấp phép xét nghiệm nCoV. Do đó, nhóm nghiên cứu không được phép công bố kết quả nghiên cứu. Họ thảo luận với các quan chức bang, CDC và FDA để tìm giải pháp.
Scott F. Dowell, cựu quan chức CDC và hiện là phó giám Quỹ Bill & Melinda Gates, bên tài trợ cho nghiên cứu, đã yêu cầu sự giúp đỡ từ các quan chức CDC phụ trách đối phó nCoV. "Hy vọng sẽ có giải pháp", ông viết ngày 10/2.
Nhà dịch tễ học Lindquist ở Washington viết email cho Alicia Fry, giám đốc mảng dịch tễ học và phòng chống dịch bệnh của CDC để xin phép.
Nhưng CDC khước từ, yêu cầu Lindquist hỏi ý kiến FDA. FDA không chấp thuận vì phòng thí nghiệm không được chứng nhận là phòng thí nghiệm lâm sàng và quy trình cấp phép có thể mất nhiều tháng. Chu và Lindquist cố gắng nhiều lần xin phê chuẩn nhưng câu trả lời luôn là không.
"Chúng tôi thấy như mình đang phải ngồi yên, chờ đợi đại dịch xuất hiện", Chu nói. "Chúng tôi có thể giúp đỡ nhưng lại không thể làm bất cứ điều gì".
Nhân viên vệ sinh mặc đồ bảo hộ trước khi vào một viện dưỡng lão ở Washington ngày 12/3. Ảnh: AFP . |
Trong khi bang Washington tranh luận với giới chức liên bang, CDC đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thực hiện nhiều xét nghiệm nCoV hơn. CDC đã tự phát triển bộ dụng cụ xét nghiệm , giống như cách họ đối phó với các dịch trước đây. Một số quốc gia khác cũng tự phát triển bộ dụng cụ.
Nhưng khi CDC phân phối bộ dụng cụ xét nghiệm đến các phòng thí nghiệm trên cả nước, một số quan chức y tế địa phương báo cáo rằng những thiết bị này bị lỗi. CDC hứa hẹn sẽ chuyển hàng thay thế trong vòng vài ngày, nhưng vấn đề kéo dài hơn hai tuần. Chỉ 5 phòng thí nghiệm cấp bang có thể làm xét nghiệm trong giai đoạn đó. Washington và New York không nằm trong số này.
Đến ngày 24/2, khi một loạt ca nhiễm nCoV mới được ghi nhận ở Mỹ, các phòng thí nghiệm của các bang bắt đầu lo lắng. Hiệp hội Phòng thí nghiệm Y tế Công cộng gửi thư đến Stephen Hahn, ủy viên FDA, yêu cầu ông cho phép các phòng thí nghiệm của các bang và địa phương tự chế tạo bộ dụng cụ xét nghiệm nCoV.
Hahn trả lời hai ngày sau rằng "kết quả xét nghiệm sai có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng" và hoan nghênh các phòng thí nghiệm nộp bộ xét nghiệm họ tự phát triển để xin phê duyệt khẩn cấp.
Nhưng quá trình phê duyệt này khá rườm rà. Các phòng thí nghiệm lâm sàng tư nhân và đại học thất vọng về tốc độ của FDA. Alex Greninger, từ Trung tâm Y tế Đại học Washington ở Seattle, cho biết ông đã rất bực tức vào giữa tháng hai khi thúc giục FDA. "nCoV nhanh hơn FDA", ông nói.
Để đảm bảo chất lượng của bộ dụng cụ xét nghiệm, các nhà khoa học cần dùng thử nó với các mẫu từ bệnh nhân đã được xác nhận dương tính với nCoV hoặc bản sao bộ gene của virus. Nhưng rất khó thu thập các mẫu như vậy vì hầu hết phòng thí nghiệm của các bệnh viện đều không có. Karen Kaul, từ bệnh viện NorthShore ở Illinois, cho biết bà mất rất nhiều công sức mới xin được mẫu từ một phòng thí nghiệm ở châu Âu.
Trong khi đó, FDA khẳng định họ không hành động chậm chạp. FDA nói rằng họ đã phê duyệt khẩn cấp cho hai bộ dụng cụ xét nghiệm trong vòng 24 giờ: một của CDC, một của phòng thí nghiệm Wadsworth ở New York.
Ở phía bên kia đất nước, tại Seattle, Chu và các đồng nghiệp không thể chờ đợi thêm . Ngày 25/2, họ quyết định xét nghiệm nCoV với mẫu vật họ đã biên dịch thu được trong dự án nghiên cứu cúm, bất chấp chính quyền không đồng ý .
Kỹ thuật viên Lea Starita bàng hoàng khi phát hiện một thiếu niên dương tính với nCoV. Cậu được lấy mẫu chỉ vài ngày trước đó, gần đây không ra nước ngoài và không liên quan đến những trường hợp đã được xác nhận. "Lúc đó tôi nghĩ 'Chúa ơi, tôi vừa mới bắt đầu xét nghiệm mà đã phát hiện một ca dương tính với nCoV rồi", Starita kể.
Các thành viên của dự án thảo luận họ nên làm gì tiếp theo và phải cân nhắc đến yếu tố đạo đức nghề nghiệp. "Chúng tôi không được phép tiết lộ thông tin ra ngoài. Nhưng chúng tôi cảm thấy cần phải nói ra", Chu cho biết. Họ quyết định điều đúng đắn cần làm là thông báo cho giới chức y tế địa phương .
Phòng thí nghiệm của bang, khi đó đã có thể làm xét nghiệm nCoV, xác nhận kết quả vào sáng 28/2. Thiếu niên được thông báo ngay sau khi cậu vào trường học. Cậu được đưa về nhà và trường bị đóng cửa.
Tối hôm đó, các nhà khoa học, giới chức y tế Seattle đã họp với đại diện CDC và FDA. Thông điệp từ chính quyền liên bang với dự án nghiên cứu rất thẳng thừng: "Hãy dừng làm xét nghiệm", Lindquist kể.
Ngày 29/2, giới chức thay đổi quyết định, cho phép họ tiếp tục làm xét nghiệm, nhưng chỉ với các mẫu thu thập sau này. Họ cần phải đề cập rõ ràng với người cho mẫu rằng các mẫu vật được sử dụng để xét nghiệm nCoV và kết quả có thể được chia sẻ với giới chức y tế địa phương. Họ không được quyền xét nghiệm hàng nghìn mẫu đã thu thập trước đó.
Cùng ngày, FDA nới lỏng quy tắc, cho phép các phòng thí nghiệm lâm sàng sử dụng bộ dụng cụ do họ tự phát triển, miễn là họ gửi bằng chứng về cho cơ quan này.
Ngày 2/3, hội đồng đánh giá của Dự án Nghiên cứu Cúm Seattle tại Đại học Washington kết luận rằng các nhà khoa học đã hành động hợp lý khi xét nghiệm và công bố kết quả vì đây là trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng. Các nhà khoa học sau đó phát hiện thêm nhiều ca dương tính.
Ngoài xét nghiệm mẫu mới, các nhà khoa học cũng xét nghiệm những mẫu cũ đã nằm trong tủ đông suốt nhiều tuần, dù giới chức liên bang không cho phép. Họ phát hiện thêm nhiều mẫu dương tính được thu thập từ 20/2 - 7 ngày trước khi giới chức y tế công cộng nhận ra nCoV lây lan trong cộng đồng.
Nhưng tối 9/3, giới chức một lần nữa yêu cầu họ dừng xét nghiệm cho đến khi được chứng nhận là phòng thí nghiệm lâm sàng.
Kể từ sau khi phát hiện thiếu niên dương tính với nCoV, Seattle đã rơi vào khủng hoảng với hàng chục người nhiễm và ít nhất 22 người chết. nCoV có vẻ đã âm thầm lây lan trong cộng đồng trong khoảng 6 tuần . Mỹ đến nay ghi nhận hơn 1.700 ca nhiễm, hơn 40 ca tử vong và hơn 30 người bình phục.
Khi nhìn lại, Chu hiểu tại sao các quy định hạn chế phạm vi hoạt động của dự án tồn tại. "Chúng được đặt ra là có lý do. Giới chức muốn bảo vệ đối tượng nghiên cứu. Phải đảm bảo về mặt đạo đức".
Nhưng bà thất vọng vì mất quá nhiều thời gian để vượt qua rào cản quan liêu, khi một ổ dịch có khả năng bùng phát ở bang Washington và lan rộng ở nhiều khu vực khác. "Tôi nghĩ những người khác khi đó không nhận thức được vấn đề này", bà nói. "Giờ thì chúng ta biết rồi".
Phương Vũ (Theo NYTimes )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét