Thứ Tư, 18 tháng 3, 2020

Những nông dân trồng dưa di cư

6h, dọc hai bên đường Trường Sơn Đông, xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, sợ dưa héo, nông dân hối hả cắt vườn dưa trước lúc đứng bóng. Những hộ đã thu xong, họ vội vàng dỡ lán, thu gom ống nước, máy bơm... bốc lên xe tải cỡ lớn để trở về quê nhà. Hơn 10 đứa trẻ tranh thủ lùa đàn bò đang đói cỏ vào đồng ăn rạ và nhặt nhạnh những quả dưa còn sót lại.

Cạnh đó, ông Nguyễn Chí Tâm (50 tuổi, quê Bình Định), vợ và đứa con trai, mỗi người ngồi một góc canh đồng dưa rộng 1,5 ha, ngăn không cho đàn bò vào vườn phá hoại. Thỉnh thoảng nhìn sang người đồng hương sắp sửa về quê, trong lòng ông Tâm Công ty CP dịch thuật miền trung - MIIDtrans Blog cảm thấy háo hức, nhưng cả gia đình họ phải ở lại canh dưa thêm vài ba ngày nữa, chờ thương lái vào cắt.

Căn lều gia đình ông Tâm ăn ở trong suốt nhiều tháng để chăm sóc dưa ở xã Chư Drăng. Ảnh: Ngọc Oanh.

Căn lều gia đình ông Tâm ăn ở trong suốt nhiều tháng để chăm sóc dưa ở xã Chư Drăng. Ảnh: Ngọc Oanh.

Để có được vườn dưa như ngày hôm nay, tháng 10 âm lịch năm ngoái, một mình ông Tâm vượt hơn 200 km từ huyện Tây Sơn lên Krông Pa thuê đất. Nhờ những "cò đất" quen biết trước đó, ông dễ dàng thuê được đám đất của một người dân ở xã Chư Drăng, với giá gần 30 triệu đồng, trong thời gian ba tháng.

Một tháng sau, chuyến xe chở gia đình ông cùng vô số đồ đạc lên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió. Cũng như các vụ mùa trước, công việc đầu tiên hai cha con ông Tâm làm là dựng ngay căn lều bên cánh đồng - bắt đầu cuộc sống tạm bợ nơi đất khách.

Những ngày đầu, họ dọn dẹp, lên luống, lắp đặt máy móc và hệ thống tưới nước khắp vườn, chuẩn bị trồng dưa hấu. Công việc chăm sóc nặng nhọc, tốn nhiều công sức... gia đình ông Tâm phải thuê 6 lao động từ dưới quê, lương tháng 6 triệu đồng mỗi người. May mắn thuê được khu đất gần sông, nên nguồn nước tưới không phải lo lắng.

Cực nhất là lúc sắp thu hoạch, sâu bệnh nhiều họ phải phun thuốc và tưới một ngày hai lần. Đêm hôm sợ kẻ xấu lẻn vào trộm dưa, ông dựng thêm một cái lán ở cuối vườn, đủ để giăng chiếc võng nằm canh.

Sau gần 70 ngày ăn nằm trên đồng, vườn dưa phát triển tốt, cho năng suất cao. "Nhưng giá cả thấp, thương lái đã đặt cọc giá 2.800 đồng trên một ký, lỗ 50 triệu", ông Tâm nhẩm tính và cho biết ít ngày nữa bán xong, cả gia đình sẽ trở về quê làm thuê hoặc trồng hoa màu. Đợi xem tình hình dịch bệnh như thế nào mới tính chuyện lên Tây Nguyên trồng dưa tiếp hay không.

Ông Tâm cũng như hàng trăm nông dân trồng dưa khác, cứ sau một vụ mùa, họ buộc phải "di cư" đến vùng đất mới, bởi nếu trồng lại trên mảnh đất cũ - chứa nhiều phân thuốc hóa học còn tồn đọng, cây dưa sẽ chết hoặc nhiều sâu bệnh. Phải 3 - 4 năm sau mới có thể trồng dưa lại được.

Vụ trước, gia đình ông Tâm thuê gần 2 ha đất ở Krông Bông, Đăk Lăk trồng dưa. Ông không nhớ giá dưa cao nhất bao nhiêu, nhưng vợ chồng ông lãi hơn 30 triệu đồng. Vụ này qua Gia Lai trồng, với ý định kiếm thêm ít lãi để trả món nợ trước đó, ai ngờ vì dịch bệnh kéo dài, "nợ càng thêm nợ".

Vụ đông xuân 2019-2020, toàn tỉnh Gia Lai gieo trồng khoảng 1.500 ha dưa hấu, tập trung chủ yếu tại huyện Krông Pa, Ia Pa, thị xã Ayun Pa, và Kông Chro. Krông Pa là địa phương có diện tích dưa hấu lớn nhất, với gần 500 hộ trồng khoảng 700 ha dưa hấu, phân bố chủ yếu tại một số xã nằm trên lưu vực sông Ba, xã Phú Cần, Ia Rsai, xã Chư Drăng..., tăng 13,6% so với vụ trước.

Ở tỉnh Đăk Lăk, dưa hấu trồng nhiều ở các huyện Krông Ana, Krông Bông, Cư Kuin... với hơn 100 ha. Hiện các chủ vườn đã thu hoạch gần hết.

Phần lớn dưa hấu trên địa bàn huyện được xuất bán sang Trung Quốc. Thời điểm nông dân thu hoạch dưa trúng lúc dịch Covid -19 bùng phát, bí đầu ra, giá dưa giảm xuống 700 - 1.500 đồng một ký. Hàng trăm tấn dưa đã chín, nằm lăn lóc giữa đồng nhưng thương lái chưa đến thu mua.

Nhiều tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ tiêu thụ dưa giúp nông dân với giá 2.000 đồng. Dọc quốc lộ, trên đường phố, siêu thị... xuất hiện dày đặc các điểm bán dưa "giải cứu" giúp nông dân.

Vườn dưa vừa thu hoạch xong, đàn bò tràn vào đồng ăn rạ. Ảnh: Ngọc Oanh.

Vườn dưa vừa thu hoạch xong, đàn bò tràn vào đồng ăn rạ. Ảnh: Ngọc Oanh.

Ông Ksor Rơ, Phó chủ tịch xã Chư Drăng, huyện Krông Pa, cho biết, các nông dân trồng dưa ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên lên Gia Lai luôn tìm những đám đất "sạch". Mùa vụ trước tổng diện tích dưa trên địa bàn có 35 hộ trồng 40 ha, nhưng năm nay chỉ có 14 gia đình trồng 27 ha. Nguyên nhân sụt giảm do những diện tích đã trồng dưa trước đó không thể trồng lại.

Nhiều hộ cắt trước Tết bán được giá 5.000 đồng một ký, đều có lời. Ra Tết do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều nông dân thua lỗ, thậm chí mất trắng. May mắn thời gian gần đây, giá cả nhích lên gần 3.000 đồng, cũng đỡ được ít nhiều chi phí đầu tư cho bà con. "Hiện nông dân thu hoạch gần hết một nửa, họ đã tháo lán trại trở về quê. Số còn lại khoảng 10 ngày nữa là xong", ông Rơ nói.

Cách vườn ông Tâm khoảng 500 m, ông Hồ Ngọc Thành, 64 tuổi, đang tháo dỡ lán trại, thu dọn đồ đạc bốc lên xe tải, bảo suốt nửa năm qua, cả hai vợ chồng chưa về thăm nhà ở Bình Định lần nào. Kể cả đợt Tết, trong khi mọi người đang đón xuân, cặp vợ chồng già vẫn thay phiên nhau canh đồng dưa hơn một ha ở xã Chư Drăng. Tuần trước có người cậu mất, vợ chồng ông Thành cũng không về thắp nén nhang được do vườn dưa sắp đến kỳ thu hoạch.

Căn lều rộng chừng 15 m2, bao phủ xung quanh bằng bạt xanh. Một cái giường, hai chiếc võng, bếp... là nơi vợ chồng ông Thành ăn ở suốt nhiều tháng qua. Nắng thì nóng nực, mưa thấm dột.

Hai hôm trước, đang nằm trên võng, có thương lái gọi điện hỏi mua vườn dưa với giá 5 triệu rưỡi một sào (500 m2), người vợ ngồi bên nhắc "bán quách mà về quê ông ơi, đằng nào cũng lỗ". Ông chần chừ vài giây rồi gật đầu đồng ý.

Hồ Ngọc Thành thu gom ống nước, đồ đạc chuẩn bị về quê Bình Định. Ảnh: Ngọc Oanh.

Hồ Ngọc Thành thu gom ống nước, đồ đạc chuẩn bị về quê Bình Định. Ảnh: Ngọc Oanh.

Ngay hôm sau, bán xong vườn dưa được 110 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư hết 150 triệu đồng, song ông thấy nhẹ nhõm trong người vì không phải chịu cảnh thấp thỏm, lo lắng.

Bên cạnh nỗi lo toan về giá cả, mất mùa, những năm gần đây, trên các cánh đồng xuất hiện nạn bảo kê, chèn ép chủ dưa phải bán dưa rẻ hơn nửa giá thị trường cho chúng. Ông Thành nhớ lại vụ mùa trước trồng dưa ở Chư Pưh, Gia Lai, trong lúc thương lái đang cắt dưa, một nhóm "xã hội đen" vào lán đòi tiền "bảo kê" 500 nghìn đồng một sào và dọa dẫm. Ông rút điện thoại gọi công an thì chúng bỏ chạy.

Đầu năm nay, ba kẻ ở huyện Krông Pa yêu cầu người thu mua dưa "chi" 6 triệu đồng mới cho xe chở dưa đi. Sợ bị đánh, thương lái đành đưa 4 triệu đồng cho chúng. Cả ba sau đó bị nhà chức trách bắt giữ để điều tra hành vi Cưỡng đoạt tài sản .

Ông Thành nói, đi "lang bạt" khắp Tây Nguyên suốt 20 năm, chưa năm nào vợ chồng ông phải chịu cảnh thua lỗ nặng như năm nay, có lẽ đây là mùa vụ cuối cùng của cặp vợ chồng già và họ dự định giao lại "đồ nghề" cho bốn người con. Đất đai ở quê hiếm hoi, bạc màu, nếu không thuê đất trồng dưa, thì chúng chả biết làm gì để nuôi gia đình.

Tây Nguyên - vùng đất rộng lớn, màu mỡ cho nghề trồng dưa hấu. Đến hẹn lại lên, cả nghìn nông dân ở miền xuôi ngược lên Gia Lai, Đăk Lăk thuê đất, dựng lán trại trồng dưa - một "canh bạc" thua nhiều hơn thắng.

"Chỉ mong mùa tới, trời thương, hết dịch bệnh, thời tiết thuận lợi để những đứa con của tôi trồng lại, hòng vớt vát trả món nợ vụ dưa vừa rồi", ông Thành nói.

Ngọc Oanh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét